Gian lận thi cử thời xưa và thời nay: Hình phạt nào cho những người phạm tội
Mới đây, vụ việc nâng điểm thi tốt nghiệp ở Hà Giang khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Hình phạt nào cho những người phạm tội?
Theo Cổng thông tin Bộ Công an, ngày 19/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định số 02/QĐKTVA khởi tố hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự để điều tra, làm rõ theo đúng quy định của pháp luật vụ gian lận điểm tại Hà Giang.
Dư luận đều chờ đợi một sự phán xét nghiêm minh để lấy lại niềm tin cho người dân.
Điểm lại một số sai phạm trong ngành giáo dục gần đây và hình phạt tương ứng
Trước đó, trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 vừa qua (2018), thầy giáo Nông Hoàng Phúc, giáo viên của Trường THCS Mai Đình, Sóc Sơn (Hà Nội), là cán bộ coi thi số 2 đã mang điện thoại vào phòng thi và chụp đề thi truyền ra ngoài tại điểm thi THPT Vân Nội. Ông Phúc sau đó chỉ bị đình chỉ công tác.
Trước đó nữa, ngày 6/5/2017, một nam giáo viên hành chính 53 tuổi của trường THPT TP. Cao Lãnh mang đề thi môn Toán và Sử khối 11 về nhà để “trả ơn cho ân nhân”. Đề thi đó đã bị tiết lộ ra ngoài, nhanh chóng lan truyền trên các mạng xã hội. Sau nửa tháng điều tra, Công an tỉnh Đồng Tháp thông báo: Vụ việc tuy có dấu hiệu hình sự nhưng được ngăn chặn kịp thời, những người liên quan thành khẩn khai báo. Công an không khởi tố vụ án mà chuyển cho ngành giáo dục xử lý.
Một vụ việc tương tự từng xảy ra ở Đắk Nông, trong kỳ thi tuyển công chức giáo viên năm 2013. Ông Lê Quang Dẫn, Trưởng phòng Giáo dục thị xã đã bị công an bắt và khởi tố về tội “cố ý làm lộ bí mật công tác”. Tuy nhiên khi ra tòa, ông Dẫn được thay đổi tội danh và chỉ phải chịu mức án 2 năm cải tạo không giam giữ. Tòa phúc thẩm sau đó còn giảm án cho ông chỉ còn 18 tháng cải tạo không giam giữ.
Gian lận thi cử thời xưa: Gông cổ, đánh trượng, đi đày, bỏ tù, xử tử
Trong lịch sử khoa bảng nước ta, các hành vi vi phạm quy chế thi cử hay gian lận đều bị xử rất nặng. Thí sinh có thể bị gông cổ, đánh trượng, bỏ tù nếu phạm trường quy. Còn quan lại gian lận trong thi cử thì có thể bị bắt làm nô lệ, đi đày, bỏ tù cho đến bị thắt cổ chết.
Năm 1673, đời vua Lê Gia Tông, Tham chính Thanh Hóa Vũ Cầu Hối nhận tiền bạc, gửi gắm học trò. Phủ doãn phủ Phụng Thiên Ngô Sách Dụ làm việc trong trường thi ngầm mang sách vở vào trường, sai gia nhân làm quyển thi đưa lẫn vào chấm lấy đỗ, xoay tiền của. Việc bị phát giác cả 2 đều bị xử đến tội đồ (bắt làm nô lệ).
Năm 1696, đời vua Lê Hy Tông, Ngô Sách Tuân đương giữ chức Phó chủ khảo trường thi ở Thanh Hóa. Vì nhận sự gửi gắm của quan Tham tụng Lê Hy, Ngô Sách Tuân đã lấy những quyển thi bị đánh hỏng của các con Lê Hy đưa cho các quan giám khảo, bảo họ phê lấy đỗ. Quan Đề điệu trường thi là Phó đô ngự sử Ngô Hải biết chuyện nhưng lại giấu nhẹm đi. Nhưng vụ việc này bị quan Tham chính là Phan Tự Cường phát giác, sau đó tâu lên triều đình. Kết cục, Ngô Sách Tuân bị tội giảo (thắt cổ mà chết), Ngô Hải bị bãi chức, các quan giám khảo và phúc khảo đều bị phạt, còn Phan Tự Cường được thăng chức Thiêm đô ngự sử.
Năm 1775, trong kỳ đệ tứ khoa thi Hội thời vua Lê Hiển Tông, Lê Quý Kiệt, con trai của nhà bác học nổi tiếng Lê Quý Đôn (bấy giờ là đại thần của chúa Trịnh Sâm) đã đổi quyển thi cho một thí sinh khác là Đinh Thì Trung. Sự việc bị phát giác, Thì Trung bị đày ra Yên Quảng, Quý Kiệt bị tước bỏ học vị cho về làm thứ dân, rồi bắt giam vào ngục cửa Đông, một thời gian sau mới được thả ra.
Năm 1841, dưới thời vua Minh Mệnh triều Nguyễn, “thần Siêu, thánh Quát” cũng vì sai phạm trong chấm thi mà chuốc đại hoạ. Trong khoa thi Hương tại trường thi Thừa Thiên, Cao Bá Quát và Phan Nhạ làm sơ khảo, ngầm lấy muội đèn làm mực chữa bài thi của học trò gồm 24 quyển, đỗ được 5 người. Mà đây vốn là ông thấy những người này làm bài thi tốt, chỉ vì văn viết phạm huý nên thương tình lấy đỗ cho. Quyển thi của Trương Đăng Trinh (cháu đại thần Trương Đăng Quế) bị đánh hỏng, nhưng quan phân khảo là Nguyễn Văn Siêu đánh giá là tốt nên nói với quan nội trường cho vào hạng lấy đỗ. Kết quả là Quát, Nhạ bị khép tội xử tử, được tha cho đổi thành giảo giam hậu (giam ngục rồi sẽ thắt cổ đến chết sau); Siêu bị tội đồ (đi đày), trượng (phạt gậy).
Vì sao luật pháp ngày xưa nghiêm minh đến vậy?
Theo “Đại Nam thực lục”, vua Minh Mệnh phán rằng: “Chọn người tài giỏi là một điển lễ long trọng, bọn Quát dám làm trái phép như thế, khép vào tội nặng cũng đáng”.
Sách “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trọng Kim cũng chép: “Mỗi khi có khoa thi Hương, các quan ở kinh ra chấm thi có cái biển đề bốn chữ: Phụng chỉ cầu hiền 奉 旨 求 賢 nghĩa là: vâng chỉ vua ra tìm người giỏi”.
Trong suốt chiều dài lịch sử nước ta, các triều đại đều hiểu rõ tầm quan trọng của đội ngũ quan lại hiền tài, coi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia” (Thân Nhân Trung). Vua Lê Thánh Tông nói: “Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn. Quan có đức, có tài thì nước trị. Quan vô đức, kém tài thềm, bậc dẫn đến họa loạn”. Bởi thế, chế độ thi cử thường nghiêm ngặt, công minh, mục đích là kén chọn được người đủ đức đủ tài ra giúp nước.
Nếu ai đó cố tình gian lận, hòng giúp kẻ kém tài đức thi đỗ, làm quan, thì kẻ ấy chính là đã thúc đẩy mối hoạ loạn của nước nhà vậy. Tội ấy thật to lắm!
Ngày nay, với một số người, thi cử chỉ là một phương tiện để vào trường đại học, cao đẳng, nhờ đó xin được việc, kiếm được tiền. Với một số phụ huynh, con em đỗ đạt là để “mát mặt” mẹ cha, để vinh thân phì gia. Thậm chí với một số “quan chức”, những kỳ thi còn là cơ hội kiếm tiền béo bở. Thế cho nên, cái sự thi cử mới suy đồi đến thế, mới có thể gian lận, mới có thể đút lót, mới có thể đổi trắng thay đen mà chẳng thấy hổ thẹn lương tâm.
Ngân Hà
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét