TRONG BÀI THƠ HOA SEN,
PHÙNG QUÁN KHÔNG HỀ NHÂM LẪN !
Ngô Minh
Bài thơ Hoa sen của nhà thơ Phùng Quán (Thơ Phùng Quán, NXB Văn học, 2003) mấy năm nay gây ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, gay gắt. Năm 2008, nhà văn Hoàng Thái Sơn ở Quảng Bình cũng đã có bài viết "Về một bài thơ của Phùng Quán" đăng ở Tạp chí Thơ số 3 ( 2008) và đăng lại trong Tạp chí Nhật Lệ số 160 ( tháng 7 - 2008) . Nhà văn Hoàng Thái Sơn cho rằng khi sáng tác bài thơ Hoa sen, Phùng Quán đã có "sự nhầm lẫn rất hồn nhiên" ,"một mình một ngựa quay lưng, ngược đường với triệu triệu đồng bào" yêu quý bài ca dao.
Sau đó nhà thơ Mai Văn Hoan. Thạc sĩ văn chương, giáo viên dạy chuyên văn Trường Quốc Học-Huế, đã có bài viết trao đổi lại rất chí tình. Cuộc bàn luận về bài thơ Hoa Sen của Phùng Quán của hai nhà văn Việt Nam diễn ra trong nhiều số tạp chí THƠ sau đó. Nhà thơ Mai Văn Hoan thì cho rằng :” Phùng Quán chỉ mượn bài ca dao "Trong đầm gì đẹp bằng sen" để viết nên một bài thơ theo cảm xúc chủ quan của mình. Phải nói là anh đã tìm được một tứ thơ mạnh, gây ấn tượng, rất phù hợp với phong cách "thơ quãng trường" của anh. Phát hiện của anh về bài ca dao trên cũng khá bất ngờ và độc đáo. Từ trước đến nay, duy nhất chỉ có Phùng Quán, bằng ngôn ngữ thi ca, đã mạnh dạn đặt lại vấn đề gốc gác bài ca dao một cách thuyết phục và truyền cảm. Phát hiện của nhà thơ đã làm không ít người phải giật mình... Cái chủ yếu là nhà thơ của chúng ta mượn bùn để nói đến Nhân dân!
...” Đọc bài thơ Hoa sen của Phùng Quán ai cũng biết tác giả nhằm vào "phường bội nghĩa vong ân". Bọn chúng, theo nhà thơ:"vốn con cái của giai cấp cùng khổ / Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son / Nghĩ đến mẹ cha chúng xấu hổ / Chúng mưu toan giấu che từ bỏ / Nói gần xa chúng mượn chuyện sen". Phùng Quán căm ghét là căm ghét cái bọn phản trắc đó. Phùng Quán vạch mặt chỉ tên là vạch mặt chỉ tên lũ vong ân bội nghĩa đó, chứ đâu phải là hoa sen. Phùng Quán đâu có nhầm lẫn. Tuy diễn tả bằng thơ nhưng lập luận của anh khá chặt chẽ, khá lôgích và rất thuyết phục. Tuy diễn tả bằng thơ nhưng lập luận của anh khá chặt chẽ, khá lôgích và rất thuyết phục. Phùng Quán đứng về phía nhân dân để vạch trần bản chất phản trắc của bọn người vong ân bội nghĩa chứ đâu có quay lưng lại với triệu triệu đồng bào ! “
Mới đây, trên trannhuong.com có bài bình bài thơ Hoa sen của Phùng Quán của tác giả Đường Văn. Tác giả Đường Văn cho rằng: “Đọc kỹ, tôi cho rằng, ở đây, Phùng Quán đã hiểu không đúng bản chất tư tưởng bài ca dao cũng như tư tưởng và tính cách của tác giả của nó. Xuất phát từ quan niệm giai cấp xã hội rất cực đoan và có phần bảo thủ, dung tục để phân tích tác phẩm, đánh giá thiên lệch tác giả và kết án ông ta (giả định) là kẻ vong ân bội nghĩa, phản trắc, xảo quyệt, tráo trở, tinh vi mượn sen nói chuyện người... thật xấu xa, đáng căm ghét, ghê tởm, không hiểu vì sao Phùng Quán đã suy diễn, khái quát, áp đặt và kết án bài thơ – ca dao cùng tác giả của nó một cách cực đoan, chủ quan, thiên lệch và sai lầm? ( NM tô đậm ). Sau khi bài viết của Đường Văn được đăng tài, một số bạn đọc đã comments với lời lẽ chì chiết hơn về những ý thơ của Phùng Quán trong bài thơ Hoa Sen. Bạn đọc Nguyễn Hiếu viết :” Bài bình thơ Phùng Quán hay, có phát hiện, bằng giọng văn kiên quyết, phẫn nộ được giấu khá kĩ dưới sự bình tĩnh của chuyên môn. Hay nhất là vạch ra được sự cố chấp và có vẻ hơi tiểu nhân của Phùng quán khi nói về một câu ca dao dân gian toàn bích. Tôi cũng hơi lạ sao PQ lại có lúc lẩm cẩm như thế? Cám ơn ĐV vì tôi chưa đọc bài thơ này. Nhờ bạn mà biết thôi! Hay PQ dốt, hay PQ cố chấp… để rồi chửi mèo quèo chó? Tôi không hiểu!?. Còn bạn đọc xưng là Thạch Bàn, Long Biên thì viết :” Phùng Quán lừng danh với “Vượt Côn Đảo”, “Lời mẹ dặn” khi còn rất trẻ, nhưng lại “chết thảm” với “Hoa sen” khi đã về già. Đôi khi lần mần đọc một số tác phẩm kiểu “xác chết vĩ nhân” như “Hoa sen” của Phùng Quán, tôi trộm nghĩ một cách xúc phạm rằng: “Giá như, vâng, giá như sau tác phẩm ấy, vì một lí do nào đó mà họ đột tử thì họ sẽ là vĩ nhân thật trọn vẹn!”. Tiếc thay, họ lại không có cái may mắn được “chết đúng lúc”!.
Đọc những lời phán quyết thẩm định thơ trên, tôi thấy rợn người. Tôi là người làm thơ đàn em, rất yêu thơ và nhân cách nhà thơ Phùng Quán. Tôi đã làm rất nhiều việc để góp phần làm cho mọi người hiểu đúng nhân cách và tài năng Phùng Quán hơn, giải tỏa một phần những định kiến của chế độ đối với anh, người đã: “Ba mươi năm tôi bị dìm trong bùn-nhơ-lăng - nhục / Nhưng cuối cùng/ Quê hương đã nhận ra/ Trái – tim – thơ – trong sạch / Và gương - mặt -Thơ - bi thiết - của tôi….( Thơ Phùng Quán, NXB Văn học, 2003, tr. 211) . Đối với tôi, công bằng mà phán, thơ Phùng Quán không phải tất cả các bài đều hay, cũng có bài “thường thường bậc trung”, có bài dở, lên gân, hô khẩu hiệu.... Những bài hay nhất của Phùng Quán phải kể đến là Lời mẹ dặn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe, Say, Trăng Hoàng Cung.v.v..Còn bài thơ Hoa sen là bài thơ tuy chưa toàn bích, nhưng khẩu khí, phát hiện tứ rất giỏi và có sức thuyết phục cao, hoàn toàn “đứng về phe nước mắt”(chữ của Dương Tường). Tôi đã nhiều lần nghe nhà thơ Phùng Quán đọc bài thơ này trước đông người, ai cũng xuýt xoa tán thưởng.
Tôi nghĩ đọc thơ rồi khen, chê là quyền của mỗi người, theo cái “gu” và sức cảm nhận, không ai có quyền phản đối điều đó. Anh Phùng Quán mà còn sống , chắc anh cũng vuốt râu cười tủm tỉm , nâng cốc với những người “ phê phán” mình, khi đọc những bài viết , những ý kiến phê bình chê bai đó, rồi khà khà :” Miềng là rứa mà. Miềng là rứa mà...” . Làm một bài thơ để mọi người bàn luận năm này qua năm khác, cũng là một niềm vui của nhà thơ. Mới đọc qua thì chột dạ, nghĩ ông này “điên”, nhưng đọc lại nhiều lần thì thấy thán phục :” Ông này giỏi thiệt !”. Riêng tôi, tôi có vài ý nghĩ về bài thơ Hoa Sen của Phùng Quán, không phải để tranh luận với các ý kiến của tác giả nói trên, mà để chia sẻ với độc giả thơ Phùng Quán.
Trước hết thơ là cảm xúc của người làm thơ trước thực tại cuộc sống. Nghĩa là tâm hồn nhà thơ rung động trước những hình ảnh sinh động của cuộc sống, mới có thơ. Từ một hình ảnh nào đó, với cảm xúc và tri giác của mình, nhà thơ phát hiện ra một tứ thơ, để nói lên tấm lòng và cái chí của mình. Như vậy, trước một hiện thực, mỗi nhà thơ có cái cảm khác nhau, tùy theo “chỗ đứng” của mình. Ví dụ , cũng hiện thực miền Bắc những năm trước 1975, rất nghèo khổ, vì tất cả cho tuyến tuyến . Trăm thứ đều cung cấp qua tem phiếu. Người dân kêu :” Phân thì như cứt, cứt gì cũng phân”. Nhưng có nhà thơ lại viết :” Miền Bắc thiên đường của các con tôi”. Hay cũng là hiện thực chiến tranh ở nước ta trước năm 1975, sau chiến thắng, nhiều nhà thơ ca ngợi chiến công, nhà thơ Phạm Tiến Duật lại nghĩ đến cái Vòng trắng tròn như số 0 ở trên đầu con trẻ, đó là nỗi đau chiến tranh. Nghĩa là “chỗ xuất phát tình cảm” khác nhau sẽ có cảm xúc khác nhau dẫn đến những tứ thơ khác nhau, có khi trái ngược nhau. Có lẽ cái Vòng trắng của Phạm Tiến Duật có tầm cao hơn, nhân loại hơn các bài thơ ca ngợi chiến công một chiều.Hoa sen là loài hoa đẹp. Vừa qua chúng ta đã bầu làm quốc hoa. Bài ca dao về hoa sen ca ngợi vẻ đẹp của hoa với hình tượng ám ảnh :” Nhị vàng bông trắng lá xanh”. Nhưng Phùng Quán đọc bài ca dao lại phát hiện ra một cái tứ thơ rất lạ: “Nhưng tôi không thể nào tin được / Câu ca này gốc gác tự nhân dân / Bởi câu ca sặc mùi phản trắc / Của những phường bội nghĩa vong ân ! / Vốn con cái của giai cấp cùng khổ / Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son / Nghĩ đến mẹ cha chúng xâu hổ / Chúng mưu toan giấu che từ bỏ / Nói xa gần chúng mượn chuyện sen...”. Phùng Quán không nhầm lẫn. Phùng Quán không cực đoan, không dốt, không suy diễn cố chấp. Phùng Quán nghĩ rất đúng, rất khoa học. Đúng một cách chí lý, chí tình. Tại sao vậy ?
Ta hãy xuất phát từ thực tế cụ thể để có thi ảnh. Bùn thì tanh. Tanh là bản chất của bùn. Nhưng bùn đẻ ra lúa, đẻ ra sen. Hay nói cách khác sen là tình chất của bùn. Nông dân suốt đời “chân lấm tay bùn”, quần áo đơn sơ mảnh lành mảnh vá, người bao giờ cũng mồ hôi mồ kê. Đi bên nông dân nghe sực mùi bùn. Nhưng nông dân trồng ra lúa, ra sen, nuôi sống và làm đẹp cho người đời. Nông dân đẻ ra con cái, có người được mẹ cha nuôi học hành, ra thành phố làm chức này chức khác. Có không ít người, khi chòi lên cuộc đời quyền lực là vơ vét, tham nhũng, làm giàu bằng nhiều thủ đoạn, sống phè phỡn trên mồ hôi xương máu của nhân dân. Có người con nông dân chính gốc, nhưng khi lên làm quan, vì ham giàu mà quay lại, hùa với bọn đại gia để cướp đất nông dân. Chúng đông nhúc nhúc như dòi bọ. Mỗi lần mở báo ra, đọc những tin bài về tham những, cướp đất của dân, tôi lại nhớ hai câu thơ Tố Hữu “ Mỗi lần mở báo ra / Căm thù lên tận cổ”. Những người đó hẳn chúng không còn nghĩ mình là nông dân, mà chỉ mình “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Phùng Quán đọc bài ca dao, không hề chê hoa sen xấu, không hề chê bài ca dao, mà chỉ phát hiện ra chữ “gần”, để từ đó vạch trần chân tướng của bọn phản trắc. Sen là con của bùn đẻ ra, nên phải nói là “từ bùn”, hay “là bùn”, sao lại nói “gần bùn”??
Phùng Quán phát hiện ra tứ thơ tuyệt vời đó, ngoài ý kiến phân tích của nhà thơ Mai Văn Hoan, tôi nghĩ, còn nhờ “chỗ đứng” hay “vị trí” cảm xúc của anh. Ba mười năm “cá trộm- văn chui”- rượu chịu”, Phùng Quán là người dưới đáy xã hội, tức Phùng Quán là bùn:“Ba mươi năm tôi bị dìm trong bùn-nhơ-lăng - nhục / Nhưng cuối cùng/ Quê hương đã nhận ra/ Trái –tim – thơ – trong sạch / Và gương - mặt -Thơ - bi thiết - của tôi...( Thơ Phùng Quán, NXB Văn học, 2003, tr. 211) . Vì là bùn lên Phùng Quán dễ dàng phát hiện ra những bọn từ bùn sinh ra mà không dám gọi mình là bùn.
Trong một bức thư viết cho một người bạn trong những ngày cuối đời, Phùng Quán viết : “Thượng đế nghiêm khắc nói với anh: ‘’ Ngươi phải úp mặt xuống cống rãnh cuộc đời, trên các ao máu chiến trận không bao giờ khô cạn, trong khói đắng nghẹt của thuốc nổ .. .mà tìm lấy thơ ‘’. Và anh đã phải thực hiện lời nguyền của Thượng Đế, từ lúc tuổi thơ cho đến nay, chương cuối cùng của cuộc đời anh...” . Cái trực cảm của người lính Vệ Quốc Đoàn đã giúp Phùng Quán viết bài thơ Chống tham ô lãng phí năm 1956, năm thứ hai miền Bắc giải được giải phóng. Nhà thơ kêu lên trước nạn tham nhũng, lãng phí :Trung ương Đảng ơi! / Lũ chuột mặt người chưa hết / Đảng cần lập những đội quân trừ diệt / Có tôi / Đi trong hàng ngũ tiên phong. Đây là bài thơ chống tham ô lãng phí đầu tiên trong văn học cách mạng Việt Nam. Phùng Quán luôn tự vấn: Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn ? / Tôi có quyền gì được lành hơn nhân dân tôi một manh áo ?/ Tôi có quyền gì được rộng hơn nhân dân tôi một mét vuông nhà ở ? / Tôi có quyền gì được lên xe xuống ngựa / Khi gót chân nhân dân tôi nứt nẻ bụi đường ?!...
Chính cái trực cám mạnh mẽ đó đã sinh ra bài thơ Hoa sen. Bài thơ là tuyên ngôn sống, là máu thịt Phùng Quán, chứ không bao giờ có sự nhầm lẫn hay bảo thủ, dung tục gì ở đây cả. Không hiểu cuộc đời bùn đen của Phùng Quán sẽ không bao giờ hiểu được bài thơ Hoa Sen .
Cuối cùng tôi xin nói đôi lời về bài ca dao. Ca dao là loại sáng tác tập thể của dân gian qua hàng ngàn năm. Người đầu tiên nghĩ ra, người thứ hai, thứ ba, thứ n... phát hiện ra những chữ, nhưng câu chưa hoàn chỉnh, sửa lại. Cứ thế, cứ thế...Bài ca dao «Trong đầm gì đẹp bằng sen... », nhiều người cho là hay là toàn bích. Nhưng nhà thơ Phùng Quán lại nghĩ khác về chữ gần. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Như thế theo tôi là bài ca dao chưa toàn bích. Vẫn có chỗ để người đọc, người nghe nghĩ khác hẳn với chủ đề mà người sáng tác dân gian muốn. Nhất định rồi có người sẽ chỉnh sữa câu cuối cũng đó để bài ca dao thực sự toàn bích. Gần hay là Từ hay là. Là ? Ngay cả chữ hôi cũng cần nghĩ thêm. Mùi bùn là mùi bùn. Không thể gọi là hôi ( thối) được. Gần, hôi là chữ của người đứng trên cao nói về bùn, chứ người trong bùn (như nông dân) nói về mình, họ không bao giờ gọi bùn là hôi . Vậy phải sửa lại câu thơ làm sao vừa nói được vẻ đẹp của sen vùa khoe được niềm tự hào của bùn đã sinh ra nó. Nhưng sửa được câu cuối bài ca dao đó đòi hỏi phải là những thi sĩ thông tuệ của dân gian, Ngô Minh này không dám !
Huế, 27-5-2012
HOA SEN
PHÙNG QUÁN
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Mặc cho câu ca được cả nước lưu truyền
Và đời vẫn tin là ca ngợi phẩm chất của sen.
Nhưng tôi không thể nào tin được
Câu ca này gốc gác tự nhân dân
Bởi câu ca sặc mùi phản trắc
Của những phường bội nghĩa vong ân!
Vốn con cái của giai cấp cùng khổ
Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son
Nghĩ đến mẹ cha chúng xấu hổ
Chúng mưu toan giấu che từ bỏ
Nói xa gần chúng mượn chuyện sen
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Tất cả là trong cái chữ gần
Chỉ một chữ mà ta thấu gan thấu ruột
Những manh tâm bội nghĩa vong ân.
Bùn với sen đâu phải chuyện gần?
Chính là sen mọc lên từ trong đó
Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen
Nhị vàng , bông trắng, lá xanh…
Tất cả, tất cả, tất cả…!
Là do bùn nuôi dưỡng
Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng
Cũng là xương thịt của bùn tanh!
Như nhân dân: Gian truân, thầm lặng, vô danh
Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sỹ…
Nhân danh bùn! Nhân danh sen!
Tôi đề nghị: Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian!
Thơ Phùng Quán/ Bài bình Ngô Minh
Tác giả gửi bài