NHÂN CHUYỆN CÂU THƠ CỦA TRẦN MẠNH HẢO : “ HOA BAN NỞ THÀNH NGƯỜI CON GÁI THÁI” BỊ MỘT SỐ BẠN GHI NHẦM LÀ DÂN CA, TỤC NGỮ THÁI, XIN CÓ ĐÔI LỜI VỚI NHÀ THƠ DÂN TỘC THÁI TÒNG VĂN HÂN
Trần Mạnh Hảo
Trong một bài báo viết về vẻ đẹp Lai Châu, Tây Bắc, nhà báo Kiều Trinh của báo “Điện Biên” đã viết :.
Cách đây 35 năm, trong chuyến thực tế Lai Châu, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã viết bài thơ “Gửi Lai Châu” (1981), trong đó có câu: “Hoa Ban nở thành người con gái Thái”. Với bạn đọc Lai Châu - Điện Biên, đó là một trong những câu thơ hay nhất viết về hoa Ban, là sự ví von kiều diễm nhất về người con gái dân tộc Thái.
http://dienbien.gov.vn/portal/pages/print.aspx?p=16992
Nhà báo VĂN TƯỞNG của báo Hòa Bình viết trong bài : “ ở bên trời Tây Bắc có Lai Châu” viết :
HBĐT) - Không hiểu sao, trong chuyến đi ngược lên Lai Châu vào cuối năm 2015, những câu thơ của một thi sĩ viết từ những năm 80 của thế kỷ trước cứ vang vọng trong lòng: “Trái tim đập không một ai nhìn thấy/ ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu/ Hoa ban nở thành người con gái Thái/ Đám mây bay trong thau nước gội đầu…”.
Gửi Lai Châu
Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Trần Mạnh Hảo
☆☆☆☆☆ 44.25
Trái tim đập không một ai nhìn thấy
Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu
Hoa ban nở thành người con gái Thái
Đám mây bay trong thau nước gội đầu.
Nơi sông Đà vặn mình rung núi
"Lối Ma Ly Pho là sợi chỉ xuyên qua xống váy mèo"
Thị xã nhỏ như chiếc cúc áo cài trên ngực đất nước
Núi hai đầu mây đến đá lông nheo
Nơi con thác giữ nụ cười em lại
Tiếng Thái thương như cầm được giữa tay mình
Tóc em đó như mùa màng gặt hái
Mỗi cái nhìn ẩn chứa một bình minh.
Nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt
Trong chiêm bao còn vọng tiếng nai chiều
Tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch
Em gội đầu để suối suốt đời reo.
Nơi em về bản Chi Luông, bản Xá
Hoa rừng thơm như có kẻ theo cùng
Bản mới dựng mắt em là chiếc lá
Rơi bập bùng chân cứ muốn đi chung.
Nơi vách đá còn ghi bia Lê Lợi
Lịch sử ngược sông Đà, nước réo tiếng gươm xưa
Em đứng đó mỉm cười khi anh hỏi
Như hoa ban chỉ nở lúc sang mùa.
Nơi dấu tích còn ghi thời thống khổ
Cô gái xòe xưa lao mình xuống sông Đà
Chỗ em khóc sân vua Đèo giờ biếc cỏ
Anh đi tìm nước mắt gặp lời ca.
Anh đã gặp những con người như lửa
Giấu khói lửa đi như thời bếp Hoàng Cầm
Điện Biên của mọi người dành riêng em điệu múa
Những đời thường nhập lại hoá nhân dân.
Lai Châu của lúa thơm sắn ngọt
Của tình em cho thị xã trăng rằm
Của ngọn gió kéo mặt trời qua dốc
Tiếng khèn Mèo làm suối cứ băn khoăn.
Anh xin mang tiếng sông Đà về với biển
Để lòng em tìm lại buổi ban đầu
Em đứng đó mây ven trời vô kể
Để suốt đời anh mắc nợ Lai Châu...
1981
Rất tiếc có một số bạn chua rằng câu thơ : “Hoa ban nở thành người con gái Thái” là dân ca, ca dao Thái !
Năm 1981 nhà văn Mạc Phi tác giả tiểu thuyết nổi tiếng “Rừng động”, chủ tịch Hội văn nghệ Lai Châu, có vợ người Thái, trong một bữa tiệc với nhạc sĩ Văn Cao, đã rủ Trần Mạnh Hảo lên Lai Châu Tây Bắc chơi. Theo xe riêng của anh Mạc Phi, tôi đã lên Lai Châu Tây Bắc. Dân tộc Thái và hoa ban tuyệt đẹp đã quyến rũ tôi, khiến tôi ở Tây Bắc suốt ba tháng trời.
Câu thơ “HOA BAN NỞ THÀNH NGƯỜI CON GÁI THÁI” đã được anh chị em người Thái coi như quốc bảo, khiến lần tôi trở lại Lai Châu suýt chết chìm trong rượu Thái và suýt chết đuối trong đôi mắt diễm lệ hoa ban.
Nhắc lại câu thơ này của mình, tôi muốn nói với em nhà thơ Tòng Văn Hân rằng tôi yêu Tây Bắc, yêu hoa ban, yêu mường bản của em vô cùng.
Bài thơ “ MẸ TÔI CHỬI KẺ TRỘM” của em có thể chỉ thích hợp trong không gian hiền hòa tươi đẹp của dân tộc Thái, nhưng các ông Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa đã KINH HÓA NÓ, lại ca ngợi nó nhân văn, rất Phật giáo nên mới bị hàng nhiều vạn người ném đá. Họ ném đá ban giám khảo, không ai nỡ ném đá em – Tòng Văn Hân, em chỉ là nạn nhân mà thôi.
Có thể Hân còn nhiều bài thơ khác, nếu có bài hay, em cứ gửi cho anh theo địa chỉ của FB, anh sẽ viết bài khen.
Chúc Hân bình tĩnh và vượt qua cơn sóng gió do Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa gây ra cho em. Rất thương em và thương hoa ban của chúng ta.,.
T.M.H.