Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

THỬ BÌNH MẤY CÂU KIỀU

Thử bình mấy câu Kiều

(Ngày đăng: 30/10/2014 9:12)
     Sau khi đăng bài “ Thử bình chọn năm mươi câu Kiều hay nhất”, tôi nhận được nhiều điện thoại, tin nhắn và email của bạn đọc gửi về tỏ ý đồng cảm, đồng thời có người bảo rằng tôi “mới chọn mà chưa có bình”. Sự thật để chọn đựơc những câu Kiều điển hình ấy, trước hết tôi dựa vào cảm giác của mình, đồng thời cũng “bình nhẩm trong đầu” khi các câu thơ ấy xuất hiện. Thế nhưng có bạn đọc lại muốn tôi bình ra thành bài cho mọi người cùng thưởng thức. Nguy quá! Công việc này là sở trường của các nhà lý luận phê bình và là sở đoản của tôi. Nhưng chẳng lẽ vì thế mà mình thoái thác yêu cầu chính đáng của bạn đoc? Thôi thì, hay dở chờ người đánh giá, tôi xin thử bình mấy câu Kiều đã chọn để trình quý vị.


 THỬ BÌNH MẤY CÂU KIỀU
 
1 - Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống làm ma không chồng.
Đây là lời Thuý Kiều thốt lên sau khi nghe Vương Quan kể chuyện bi thảm của Đạm Tiên bên ngôi mộ “sè sè nấm đất”, “dàu dàu ngọn cỏ”, lạnh lẽo trong tiết thanh minh. Đạm Tiên trước, Thuý Kiều sau; ca nhi ngàn xưa và “ca ve” ngày nay có chung một đặc điểm: đấy là những người con gái tạo hoá ban cho một chút nhan sắc nhưng lại giáng xuống bản thân hoặc gia đình họ những tại hoạ, buộc họ phải gánh chịu, đưa đẩy họ vào chốn lầu xanh, mất quyền làm người, trở thành một món hàng . Vì có chút nhan sắc nên lắm chàng tìm đến; bởi đã trở thành món hàng nên mình không có quyền chọn lựa mà để người ta cư xử với mình như với một món hàng đã bỏ tiền mua. Câu thành ngữ mới “ trả tiền bóc bánh” phần nào nói được thái độ cư xử thô bạo, không chút tình cảm của khách làng chơi đối với các cô gái lầu xanh.Đời một kiếp ca nhi chung chạ với bao người đàn ông, biết mặt không biết tên, “mặc người gió Sở mưa Tần”, xong cuộc, họ bỏ đi không để lại dấu vết, chứ có mấy ai được như chàng Thúc “trước còn trăng gió sau ra đá vàng”! Những đôi lứa yêu nhau chân thành, vì nguyên do nào đó không lấy được nhau, khi chết đi họ còn mang theo cả khối tình xuống chốn tuyền đài. Tình yêu là thế, còn tình dục chỉ là sự thoả mãn xác thịt nhất thời, kiếp này chẳng yêu thương, nói chi đến kiếp sau. Cặp lục bát này về hình thức, là sự đối lập giữa lúc sống và sau khi chết. Nhưng sự đối lập ấy chỉ là hình thức, còn thực chất đó là quan hệ nhân quả: khi sống thế thì sau khi chết phải thế!
Trong toán học cao cấp có khái niệm “trù mật khắp nơi” và “không đâu trù mật” để nói về hai cực đối lập của sự phân bố các phần tử của tập hợp. Ở đây, hình như Đại thi hào vô hình trung đã sử dụng khái niệm ấy để nói về “sự phân bố chồng” của kiếp ca nhi ở cõi dương và ở cõi âm: khi sống thì ở đâu cũng có chồng, bất cứ người đàn ông nào cũng có thể là chồng, còn chết rồi thì ngược lại: không có một ai. Nói “làm ma không chồng” là dự đoán sự cô quạnh khi mình ở cõi âm từ thực tế của kiếp này. Sự thật nghịch lý và bi kịch của kiếp ca nhi chẳng cần đợi đến khi đã “thành ma”, chẳng cần đợi kiếp sau, mà ngay ở kiếp này: Khi mình còn nhan sắc thì “xôn xao ngoài ngõ thiếu gì yến anh”, đến khi đau yếu, bệnh tật thì không kẻ đoái hoài, chết một mình một góc, đâu phải chỉ một Đạm Tiên? “Sống làm vợ khắp người ta” đã nhục, đã khổ lắm rồi, người ca nhi nào cũng chung ý nghĩ “cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”, cho hết thời trẻ trung, cho hết cuộc đời, tưởng khi mình chết đi thì mới được thanh thản. Nhưng không, sự sỉ nhục của kiếp phong trần không chỉ dừng lại trần thế mà còn theo về cõi âm với một biến tướng mới, về hình thức tưởng như ngược lại những gì ca nhi đã trải, nhưng không hề mang lại niềm vui mà chỉ chuốc lấy nỗi bất hạnh mới thật tệ hại: làm ma không chồng! “Sống làm vợ khắp người ta”!Chữ “khắp” mới thật tài tình, hàm chứa sự xô bồ, không hề có sự chọn lựa.Thông thường chữ khắp thường đặt trước một danh từ chỉ nơi chốn: khắp chợ, khắp đồng, khắp làng, khắp nước… Ở đây Nguyễn Du đã thay đổi cách sử dụng quen thuộc đó, mạnh dạn đặt sau chữ khắp hai chữ “người ta” thật mới mẻ và bất ngờ. Khắp người ta: không loại trừ một loại người nào. Có soạn giả Truyện Kiều không tán thành khái niệm vợ, chồng đối với các cô gái lầu xanh vì vợ chồng thì phải có hôn thú (!) nên muốn đề nghị đổi chữ khắp thành chữ “chắp”: “vợ chắp người ta”! với lý luận rằng cô gái lầu xanh chỉ là “vợ chắp”, chứ không thể là vợ của khách làng chơi được!Về luật pháp thì phần nào soạn giả này có lý, nhưng đối với việc thẩm định Truyện Kiều nói riêng và thưởng thức thi ca nói chung thì, ý kiến ấy xem ra quá cứng nhắc, khó thuyết phục được ai. Nguyễn Du không đợi giấy hôn thú để chỉ khái niệm vợ chồng ở chốn thanh lâu, mà sử dụng đặc trưng lớn nhất của vợ chồng là chuyện chăn gối. Đó là chưa kể ở chốn thanh lâu người ta vẫn quen xưng “chàng chàng, thiếp thiếp” ( Chàng chàng thiếp thiếp vui bằng được / Bố bố con con chẳng nhận ra - Nguyễn Bính) ngày xưa và “vợ vợ, chồng chồng” ngày nay, mà ai cũng hiểu rằng “chàng, thiếp”, “vợ, chồng” ở đây khác xa khái niệm vợ chồng truyền thống. Phải chăng cặp lục bát này đã phơi bày bi kịch lớn nhất của kiếp ca nhi?
 
 
2 - Một mình lưỡng lự canh chầy
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh.
Một mình, đêm khuya, kinh hãi về viễn cảnh là hoàn cảnh, thời gian và trạng thái của nhân vật mà cặp lục bát này chuyển tới người đọc. Đây là hoàn cảnh “một mình” đầu tiên, đêm thứ nhất của Thúy Kiều được mô tả. Trong Truyện Kiều, Thúy Kiều có 12 hoàn cảnh ở một mình, thì có 11 lần là cô đơn, buồn tủi chỉ duy nhất một lần một mình mà vui vẻ, đó ngày “sinh nhật ngoại gia”, cả nhà đi vắng, nàng ở nhà một mình, chuẩn bị sang chơi nhà Kim Trọng.
Định mệnh là tư tưởng quán xuyến trong Truyện Kiều. Có người dẫn câu “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” để kết luận Nguyễn Du chống lại tư tưởng định mệnh, quên rằng câu trích kia không phải là lời tác giả Truyện Kiều, mà là lời của chàng Kim nói lại, khi thấy Thuý Kiều quá tin vào tướng, số. Còn cụ Nguyễn Du thì sao? “ Ngẫm hay muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần phải phong trần…” là kết luận Truyện Kiều cũng là nhận thức của tác giả. Trong Truyện Kiều, người tin vào tiền định, vào định mệnh mà bạn đọc dễ nhận biết nhất chính là Thuý Kiều và đây không phải là lần đầu tiên tư tưởng định mệnh đó được bộc lộ. Ngày đi chơi thanh minh gặp mộ Đạm Tiên, sau khi nghe Vương Quan kể về bi kịch của cô ca kỹ này, Thuý Kiều đã vận vào mình “thấy người nằm đó biết sau thế nào”. Khi được Đạm Tiên báo mộng, biết mình có tên trong “Sổ đoạn trường”, Thúy Kiều không ngủ được mà “một mình lưỡng lự canh chầy”, nghĩa là phân vân, lo nghĩ tận khuya. Sổ đoạn trường là cuốn sổ ghi tên những người trong Hội Đoạn trường, hội của những người đàn bà có số phận buồn đứt ruột (đoạn trường) mà Đạm Tiên chỉ là một trường hợp. Phân vân ở đây không phải là khó chọn lựa giữa tin hay không tin vào định mệnh, mà lo nghĩ không biết đời mình sẽ buồn thảm như thế nào, nghĩa là nàng cố hình dung “nỗi sau này” của mình. Dù diễn biến cụ thể như thế nào thì chưa rõ, nhưng Thúy kiều đã khẳng định: “Phận con thôi chẳng ra gì mai sau”. Đó là “nỗi sau này” của nàng. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du sử dụng hơn 60 lần chữ nỗi, ngoài những kết hợp quen thuộc như nỗi lòng, nỗi riêng, nỗi niềm, nỗi quê …còn có những kết hợp hết sức mới mẻ như nỗi đêm, nỗi ngày ( nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung), đặc biệt ý nghĩa chữ nỗi được mở rộng ra với “nỗi dọc đường” (Kể chi những nỗi dọc đường), và ở đây là “nỗi sau này”. Trong cái đêm “trằn trọc canh khuya”, “lưỡng lự canh chầy” ấy, “nỗi sau này” của Thuý Kiều chưa hề cụ thể, mà chỉ từ cuộc đời của Đạm Tiên mà suy ra cho thân phận của mình. “Nỗi sau này” là nói về điều kinh hãi đang bày sẵn ở phía tương lai, và khi trở thành hiện thực thì đó là: “Hết nạn nọ, đến nạn kia / Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần / Trong vòng giáo dựng gươm trần / Kề răng hùm sói gửi thân tôi đòi…” như lời sư Tam Hợp đã tổng kết lại. Ở đây sự kinh sợ “nỗi sau này” của Thuý Kiều được tác giả đồng cảm, và diễn biến của phần lớn Truyện Kiều như cốt để chững minh cho “nỗi sau này” đó đáng kinh hãi đến dường nào!
 
 
3- Dặm khuya ngất tạnh mù khơi
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông
Với Thuý Kiều, đêm trong Truyện Kiều thường có trăng(*). Đó là “gương nga chênh chếch nhòm song” đêm Đạm Tiện hiện về báo mộng; “nhặt thưa gương giọi đầu cành” và “vầng trăng vằng vặc giữa trời” đêm tự tình và thề bồi cùng Kim Trọng; “ gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương” đêm lẻn trốn cùng Sở Khanh; “một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời” đêm ở Lâm Tri nhớ Thúc Sinh; “lần đường theo ánh trăng tà về tây” đêm trốn ra khỏi Quan Âm các; “mảnh trăng đã gác non đoài” đêm nàng nhảy xuống sông Tiền Đường…Còn vầng trăng xuất hiện trong cặp lục bát trên kia là trong đêm trên đường nàng theo xe cùng Mã Giám Sinh đi từ quê Bắc Kinh về tận Lâm Tri. Thấy vầng trăng ấy, Thuý Kiều đã liên tưởng đến vầng trăng nào mà thẹn? Tất nhiên nàng không thể nghĩ về những vầng trăng về sau, vì khi đó nàng chưa từng được chứng kiến. Nàng cũng không nghĩ về vầng trăng đã dẫn Đạm Tiên về báo mộng cho mình, mà chắc chắn nàng nghĩ về vầng trăng có liên quan đến kỷ niệm, đến mối tình với chàng Kim, đấy là “vầng trăng vằng vặc giữa trời” của đêm thề bồi, hẹn ước “đinh ninh đôi mặt một lời song song”. “Lời non sông” là lời gì vậy? Cũng như “lời vàng đá”, “lời non sông” là lời thề bồi tình yêu của các cặp tình nhân ngày xưa, vì khi thề thốt họ thường mượn những vật thể to lớn như núi sông, quý giá và chắc chắn như vàng đá để nói tình yêu của mình. Ta điểm lại xem “những lời non sông” của Kim Kiều như thế nào? Dưới vầng trăng vằng vặc đêm ấy, hai mặt một lời, họ đã thề: “trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”, hứa “chạm xương khắc cốt” tình cảm của nhau, “chữ đồng là nói tắt chữ đồng tâm, nghĩa là cùng một lòng yêu nhau” như học giả Đào Duy Anh giải thích. Chàng Kim đã thề với Thuý Kiều:
“Ví dù giải kết đến điều
Thì đem vàng đá mà liều với thân”
nghĩa là đã yêu nhau rồi, đính hôn rồi ,vì lẽ gì đó mà trời xanh bắt chia lìa thì xin chết với nhau bởi coi lời thề như vàng đá.
Khi chia tay Thuý Kiều để về hộ tang chú, chàng Kim cũng từng nhắc đến vầng trăng thề bồi ấy:
Trăng thề còn đó trơ trơ
Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng”
Khi đó, chính Thuý Kiều đã hứa:
“Đã nguyền đôi chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai”…
Thế mà giời đây, không giữ được lời thề, nàng đã thành vợ người khác rồi, thì không hổ thẹn sao được?
Từ Bắc Kinh, Thuý Kiều phải đi xe suốt một tháng ròng mới đến Lâm Tri. Trên đường đi, đêm khuya bất chợt nàng thấy vầng trăng mà thẹn cho những lời mình từng thề thốt mà không sao giữ được. “Dặm khuya ngất tạnh, mù khơi”. Trước hết, ta hãy dừng lại hai chữ dặm khuya. Nguyễn Du là thi sĩ bậc thầy trong việc nén chữ trong thơ lục bát, nghĩa là dùng ít chữ mà nói được nhiều ý. “Dặm khuya” không chỉ nói về thời gian là khuya, mà còn nói về không gian là trên đường đi, hàm ý cái cảnh đêm khuya Thuý Kiều chứng kiến là trên đường đi. Các nhà thơ ngày nay chỉ có thể viết được đêm khuya, canh khuya…giỏi lắm cũng chỉ đường khuya là cùng, chứ khó nghĩ ra được hai chữ dặm khuya như tác giả Truyện Kiều trên hai trăm năm trước. Học giả Đào Duy Anh cho in là “ngắt tạnh mù khơi” và giải thích: “ chỉ tình trạng lặng ngắt, vắng tanh”. Tôi không đồng tình với cách giải thích này. Tôi nghiêng về “ngất tạnh, mù khơi” như một số bản Kiều khác, và coi đây là một tiểu đối, nên ta hiều được chức năng ngữ pháp và ý nghĩa của các từ. Danh từ mù giúp ta hiểu được chữ ngất cũng là một danh từ, có ý nghĩa là một thứ gì đó thường che khuất tầm mắt người nhìn như mù, như mây, như hơi sương... “Ngất tạnh” cũng giống như mưa tạnh, không còn ngất nữa, “mù khơi” là mù loãng ra, khai thông tầm nhìn. Vì “ngất tạnh, mù khơi” nên nàng Kiều mới nhìn thấy trăng. Nguyễn Du đặc biệt chú ý đến logic trong thơ, không chỉ trong một câu, mà từ câu này tiếp nối với câu khác. Ở phần Đòan viên, Nguyễn Du đã tả cảnh:
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.
Như nhiều bạn đọc đã chú ý về logic trong đoạn thơ này: tan sương đầu ngõ để thấy hoa, vén mây giữa trời để thấy trăng. Và, “tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” cũng có ý nghĩa tương tự như “ ngất tạnh, mù khơi” để có thể nhìn thấy trăng. Nhưng cả câu lục “Dặm khuya ngất tạnh mù khơi” chỉ là sự gợi mở về không gian và thời gian, trọng lượng câu thơ tập trung ở câu bát “Thấy trăng mà thẹn những lời non sông”, làm người đọc thấy được từ sâu thẳm nỗi lòng của Thuý Kiều, sự đau đớn, mối ân hận tiếc nuối, thẹn với vầng trăng thề bồi bởi chính mình vì hoàn cảnh mà thành người phụ bạc tình yêu.

_______
(*): Trong Truyện Kiều, chỉ có ba đêm không có trăng (xem lại bài “Vầng trăng với Thúy Kiều”)
 
 
 
4 – Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.
Cặp lục bát này có hai dị bản. Dị bản 1 (DB 1) chỉ khác một chữ; thay chữ “xin” bằng chữ “cũng” : “Chút lòng trinh bạch từ sau cũng chừa”. Dị bản 2 ( DB2) câu bát khác khá nhiều” “ Xót lòng trinh bạch từ lâu đến giờ”. Trong bài “Từ dị bản Truyện Kiều” tôi đã nêu nhận xét: nguyên nhân lớn nhất đưa đến dị bản trong Truyện Kiều là sự tự sửa chữa bản thảo của chính tác giả Nguyễn Du. Sau một lần sửa chữa lại có thêm một dị bản, còn các nguyên nhân như kỵ húy, thợ in không biết chữ Nôm, người hiệu đính sửa chữa hay “tam sao thất bản” chỉ là thứ yếu. Với cặp lục bát, tôi tin tác giả đã đi từ DB2 sang DB1 và cuối cùng dừng lại ở cặp lục bát trên kia. Kể ra DB2 cũng là một câu thơ hay:
Thân lươn bao quan lấm đầu
Xót lòng trinh bạch từ lâu đến giờ.
Con lươn chui rúc chốn bùn tanh thì không lo chuyện lấm đầu, người con gái phải sa vào chốn thanh lâu cũng vậy, không còn gì để giữ gìn nữa, xưng xót cho lòng trinh bạch của mình bao lâu nâng niu, quý trọng. Với một nhà thơ bình thường, viết được như vậy thì tự tâm đắc lắm rồi, nhưng Nguyễn Du thì chưa, nên đã sửa thành DB2. Hai chữ “ cũng chừa” ý nói mình phải theo hoàn cảnh mới bẩn thỉu như thân lươn trong bùn tanh mà chừa long trinh bạch. Tác giả vẫn chưa hài lòng, cuối cùng đã thay chữ “cũng” thành chữ “xin”:
Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa
Đây là lời hứa của Thuý Kiều khi bị Tú bà đánh đập vì tội lẻn trốn đi cùng Sở Khanh. Thông thường, khi con cái hoặc thuộc hạ mắc tội bị bố mẹ hoặc người có quyền đánh đập, thì người có tội thường hứa từ nay về sau xin chừa, không bao giờ dám phạm vào tội ấy nữa. Lòng trinh bạch là gì, phải chăng đấy cũng là một loại tội lội mà Thuý Kiều hứa “từ sau xin chừa”? Lòng trinh bạch là lòng trong trắng của Thuý Kiều. Nhưng sao không phải là tấm lòng trinh bạch mà lại là chút lòng trinh bạch? Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã 47 lần sử dụng chữ chút, để chỉ một ít, một vật nhỏ mọn với lối nói khiêm nhường như chút dạ, chút lòng, chút phận, chút thân, chút riêng, chút ước… Nhưng ở câu thơ này, “chút lòng trinh bạch” còn hàm chứa một nội dung khác: lòng trinh bạch của Thuý Kiều đã bị Mã Giám Sinh cướp đi phần lớn trong đêm ở nhà trọ trước ngày theo xe để về Lâm Tri. “ Tiếc thay một đoá trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về”. Cái quý nhất của người con gái đã không còn nữa, nàng toan tự tử nhưng sợ liên luỵ đến bố mẹ, đành ngậm tủi nuốt hờn. Nhưng dù sao khi ấy nàng vẫn nghĩ Mã Giám Sinh mua mình về làm vợ, nên y có quyền làm điều đó. Khi về đến Lâm Tri, mới hay được sự tình và nàng quyết giữ lấy “chút lòng trinh bạch” ít ỏi còn lại. Ở đây “lòng trinh bạch” còn hàm chứa thêm ý nghĩa là nếp con nhà lành.Nàng đã làm những gì với mục đích giữ lấy nó? Lần đầu khi biết mình bị đẩy vào lầu xanh,sẽ bị tiếp khách làng chơi (chứ Tú Bà chưa kịp đánh vì tội mất trinh bởi lão Mã), Thuý Kiều đã toan tự tử “ một dao oan nghiệp đứt dây phong trần”, để cho mụ Tú phải “ cắt người coi sóc rước thầy thuốc men” nàng mới tỉnh lại được. Khi tỉnh ra, nàng không tự tử tiếp, một mặt vì lời hứa hẹn giả dối của mụ Tú “tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà”, nhưng cái chính là nàng tin lời Đạm Tiên báo mộng: “Số còn nặng kiếp má đào / Người dù muốn quyết trời nào đã cho”. Như vậy, nàng không thể dùng cái chết để giữ chút lòng trinh bạch ở chốn lầu xanh. Thế thì trốn theo Sở Khanh, một việc làm nàng không tin ở thành công mà phó thác cho số phận : “ Cũng liều nhắm mắt đưa chân/ Mà xem con tạo xoay vần đến đâu”. Nhưng tránh đâu cho khỏi trời, nàng bị bắt về đánh đập “Uốn lưng thịt đổ, giập đầu máu sa”, làm cho nàng nhận ra một chân lý cay đắng: ở chốn này, lòng trinh bạch là tội lỗi. Hay nói một cách khác, Tú Bà đã biết cách làm cho Thuý Kiều phải từ bỏ “chút lòng trinh bạch” của nàng.
Thì ra ở đời, con người phải đổi thay theo hoàn cảnh. Lòng trinh bạch là của quý, ai chẳng muốn giữ gìn, nâng niu, nhưng khi đã bước vào vũng bùn lầu xanh, đành từ bỏ thôi, mình đã thành con lươn chui rúc rồi thì làm sao giữ cho đầu khỏi lấm? Còn gì đáng thương hơn sự đầu hàng số phận đau đớn của Thuý Kiều?
Có nhà nghiên cứu Truyện Kiều lại chọn DB2, chê hai câu trích dẫn trên kia vì bốn chữ “từ sau xin chừa”, cho là “tối nghĩa”, sao lại “từ sau”, phải là “từ nay” chữ? Tôi nghĩ rằng, nhà nghiên cứu ấy chưa chú ý đến thủ pháp “lược từ trong câu” của Đại thi hào khi sáng tác Truyện Kiều. Hai chữ “từ sau” ấy có được sau việc lược 2 từ “nay” và “về” của tập hợp “từ nay về sau”, cũng giống như câu “Thôi thì sự ấy sau này đã em”, thì “đã em” là do tinh lược chữ ‘có” trong “đã có em”. Nói chung thơ có lối ngữ pháp riêng khác với văn xuôi, với Truyện Kiều càng cần lưu ý điều này.
 

Tác giả bài viết: Vương Trọng

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

GIAI THOẠI VĂN HỌC

Giai thoại về 2 câu thơ của Vương An Thạch
明月山頭叫 (照), 黃犬臥花心 (陰) (王安石)
Giữa Vương An Thạch và Tô Thức có một giai thoại lý thú. Tô Thức đọc thơ của Vương An Thạch, thấy có hai câu:


Minh nguyệt sơn đầu khiếu (明月山頭叫)
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm (黃犬臥花心)
Đông Pha chê là vô lý: trăng sáng sao lại hót ở đầu núi, chó vàng sao lại nằm trong lòng hoa được? Do nghĩ như vậy nên Đông Pha lấy bút sửa chữ khiếu ra chữ chiếu (照 ) , sửa chữ tâm thành chữ âm (陰), thành ra:
Minh nguyệt sơn đầu chiếu (Trăng sáng soi đầu núi)
Hoàng khuyển ngọa hoa âm (Chó vàng nằm dưới hoa). 


Tô Đông Pha cả gan tự ý sửa đổi thơ của Thừa Tướng – quan nhất phẩm. Sau đó, Tô Đông Pha bị đổi tới một nơi ở phía nam. Ở đây, Đông Pha thấy một loài chim tên là Minh nguyệt, và một loài sâu tên là Hoàng khuyển. Lúc đó, Đông Pha nhớ lại hai câu thơ của Vương An Thạch, có nghĩa là:
Con chim Minh nguyệt hót ở đầu núi

Con sâu Hoàng khuyển nằm giữa đóa hoa
Lúc ấy mới biết kiến thức của mình còn kém họ Vương nhiều. 
Bởi thế, ngôn ngữ luôn đi đôi với văn hóa địa phương, nếu không biết kết hợp chặt chẽ hai mặt này thì việc dạy và học ngôn ngữ sẽ trở nên khô khan và đôi khi bị sai lầm thiếu sót. Đó là điều không tránh được.
a. Chú thích
山 sơn: núi (DT, 3 nét, bộ sơn 山); 頭 đầu: cái đầu (DT, 16 nét, bộ hiệt 頁); 叫 khiếu: kêu (Đgt, 5 nét, bộ khẩu 口); 照 chiếu: soi sáng (Đgt, 13 nét, bộ hỏa 火, 灬); 黃 hoàng: sắc vàng (TT, 12 nét, bộ hoàng 黃); 犬 khuyển: con chó (DT, 4 nét, bộ khuyển 犬); 臥 ngọa: nằm (Đgt, 8 nét, bộ thần 臣 ); 花 hoa: hoa, bông (DT, 8 nét, bộ thảo 艸, 艹); 陰 âm:  phần âm, trái lại với dương, chộ rợp, bóng cây (DT, 11 nét, bộ phụ 阜,阝).
b. Phiên âm 

Minh nguyệt sơn đầu khiếu, hoàng khuyển ngọa hoa tâm. (Vương An Thạch)
c. Dịch nghĩa 
(Chim) minh nguyệt hót trên đầu núi, (sâu) hoàng khuyển nằm giữa đóa hoa..

 
d.   Tác giả và đại ý
Vương An Thạch (王安石 18/12/1021 – 21/5/1086), tự Giới Phủ (介甫), hiệu Bán Sơn Lão Nhân (半山老人 ), người ở Phủ Châu – Lâm Xuyên (nay là huyện Đông Hương, tỉnh Giang Tây), là một nhà văn nổi tiếng thời Bắc Tống và cũng là nhà kinh tế, chính trị lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc.


Tô Thức (苏轼, 8/1/1037–24/8/1101), tự Tử Chiêm, hiệu Đông Pha cư sĩ nên còn gọi là Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống.

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

LINGA & YONI

Tìm hiểu về vật thờ Linga và Yoni trong văn hóa Chăm Theo Dulichphanthiet   -  
 Hầu hết các công trình xây dựng mang tính tôn giáo từ thế kỷ X trở về trước trong lịch sử kiến trúc Chăm, dù nội dung bên trong thờ bất kỳ một vị thần nào thì trong công trình đó vẫn có bệ thờ Linga -Yoni hoặc một biểu tượng khác mang tính chất này. Tín ngưỡng phồn thực trong văn hóa Việt Lạ lùng đám cưới người Chăm Đêm Đụ Đị và lễ hội phồn thực độc nhất Việt Nam 
Nội dung chi tiết
 Độ khó: Cực dễ 
1 Linga - Yoni là gì ? Linga là hình tượng của thần Siva, một trong tam vị nhất thể của Ấn Độ giáo (Siva – Brahma – Visnu). Siva được coi là thần Phá hủy và đồng thời cũng là thần Sáng tạo. Trong thần thoại Ấn Độ, hình tượng khởi đầu của Siva là cột lửa hình Linga dưới hình thức dương vật, mang tính dương. Song để sáng tạo được thì cần có âm tính, cho nên người xưa đã thêm cái bệ hình âm vật (Yoni). Từ đó, tín ngưỡng Linga – Yoni (âm dương kết hợp) biến thành sự thờ cúng thần Siva, rất phổ biến trong dân chúng. Mọi sự sinh sôi nảy nở trong trời đất làm cho mùa màng cây cối tốt tươi, giống vật và loài người ngày càng đông đúc là do đực - cái, âm – dương kết hợp với nhau mà thành. Để thể hiện tính nhất thể của ba vị thần, Linga được tạo thành ba phần: dưới là Brahma, giữa là Visnu, trên cùng, chủ thể là Siva. Thần thoại có kể về chuyện đó rằng: thần Brahma và Visnu tranh cãi nhau ai là người sáng tạo ra thế giới. Bất phân thắng bại. Bỗng cột lửa xuất hiện dựng lên giữa hai thần, hai vị không hiểu ra làm sao bèn phân công Brahma hóa thành thiên nga bay lên đỉnh cột lửa, Visnu hóa thành lợn lòi đào xuống tận gốc để cùng tìm hiểu, hẹn một thời hạn nhất định sẽ gặp lại. Đến khi gặp nhau, hai thần cùng đều chưa lên tới đỉnh và cũng chưa xuống đến tận gốc cột lửa. Đang ngơ ngác thì cột nứt ra và thần Siva hiện lên nói rằng Brahma và Visnu chỉ là hóa thân của một Siva tối thượng. Liền đó, ba thần đều tự ẩn mình vào cột lửa: Brahma ở dưới cùng, Visnu ở giữa trụ lửa và Siva ở trên cùng. Tất nhiên là với trụ Linga có 3 phần: dưới cùng (phần đế dính liền với Yoni) là hình bát giác, ở giữa là hình vuông và trên cùng là hình trụ. Còn loại Linga như ở tháp Pô Sah Inư, tháp Pô Đam (Pô Tằm), Đại Thành Mương Mán chỉ là một hình trụ thì chỉ có một mình thần Siva được thờ ở trong tháp. 2 Khảo tả về Linga Linga là vật thờ không thể thiếu của các nền văn hóa cổ chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Linga là bộ phận sinh dục của người đàn ông, được tạo thành từ những phiến đá cứng nguyên khối. Trụ đá gồm có ba phần: dưới hình khối vuông, giữa hình bát giác, trên hình trụ đầu tròn múp. Một gân nối dọc từ phía đầu tròn xuống giáp khối bát giác với hai đường gờ chìm lượn vòng sang hai bên. Trụ đó chữ Phạn gọi là Linga, có nghĩa là dương vật. Trong cái trụ tròn múp múp với ba đường gờ nổi - chìm là giống “cái đó” thật. Ở một vài Linga khác trong di tích văn hóa Chăm, trên gân nổi có khi còn tạc thành một đầu người đội mão nhọn đầu, tai đeo trang sức, trông đầy tính vương giả; Linga đó gọi là Mukhalinga như tượng vua Po Klong Girai và Pôrômê ở Phan Rang. Có khi cái đầu tròn múp lại được chụp lên một vỏ bằng kim loại gọi là Kosa để tăng thêm vẻ quyến rũ quyền quý. Tại Bình Thuận bộ Linga - Yoni ở tháp Pô Sah Inư được coi là lớn, cổ nhất và nguyên vẹn còn lại ở các tỉnh Nam Trung bộ. Còn các bộ Linga - Yoni khác ở Pô Đam (Pô Tằm) - Tuy Phong và Đại Thành - Mương Mán có kích thước nhỏ hơn. Thông thường mỗi công trình kiến trúc thường thờ một bộ Linga - Yoni. Nhưng riêng Đại Thành - Mương Mán lại có đến hai bộ Linga - Yoni. Cho đến ngày nay, nhiều người khi nghe giới thiệu về cấu trúc cũng như công năng của Linga - Yoni trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng Chăm và các dân tộc khác, họ cảm thấy ngượng ngùng. Nhưng đó lại là sự thật. Cái công năng ấy ngày nay vẫn rất linh nghiệm trong các lễ hội, đặc biệt là lễ hội Ka tê hàng năm của người Chăm tại các đền tháp, đền thờ. Những ai đã từng chứng kiến lễ tắm Linga-Yoni tại tháp Pô Sah Inư sẽ có điều kiện hiểu rõ hơn về nét tâm linh trong tín ngưỡng đa thần của người Chăm. Cái ly kỳ và lý thú là ở chỗ từ một hiện tượng hành nhật - âm dương giao lưu - mà người xưa đã dựng lên thành một biểu tượng thần thánh linh thiêng trong tâm thức của con người và truyền lưu cho đến ngày nay. 

Xem thêm tại: http://www.lamsao.com/tim-hieu-ve-vat-tho-linga-va-yoni-trong-van-hoa-cham-p214a70907.html



www.lamsao.com





Tục thờ Linga và Yoni có nguồn gốc từ cộng đồng người sống ở vùng lưu vực Indus, thuộc chủng tộc Sumerian và Dravidan. Tín ngưỡng của họ gắn liền với thần thoại về thần mẹ và sự thờ cúng âm lực, coi sinh thực khí là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo.
Khi Ấn Độ giáo ra đời, theo thần thoại về Siva, thì vị thần này xuất hiện đầu tiên là một cột lửa hình dương vật. Sau này, con người đã biểu tượng hóa (Linga và Yoni) để thờ thần Siva, coi Linga là biểu hiện đặc tính dương, Yoni là biểu hiện đặc tính âm của thần. Dạng Linga kết hợp với Yoni hay còn gọi là Linga-Yoni được coi là biểu tượng sự sáng tạo của thần Siva. Ở dạng này, thần Siva còn được gọi là “Thần giấc ngủ”.Bộ phận sinh thực khí Linga –Yoni thường được thờ trong tháp Chăm, biểu tượng cho thần Siva và sự sinh sôi, phát triển.
 Tượng thần Shiva bằng đá cát, cuối thế kỷ XII ở Tháp Mẫm, An Nhơn, Bình Định. Hiện Trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Linga, Yoni không chỉ được tôn thờ ở Ấn Độ, mà còn được tôn thờ khá phổ biến ở các nước có sự tiếp thu và chịu sự ảnh hưởng của Ấn Độ giáo, trong đó có Chămpa lúc bấy giờ.
Linga và Yoni ở Chămpa có những đặc điểm riêng của nó và không ở đâu Linga -Yoni lại có số lượng nhiều, hình dáng đa dạng và kích thước lớn như ở Champa. Loại hình Linga, Yoni ở Chămpa có thể được coi là một trong những biểu hiện về sự ảnh hưởng sâu đậm văn hóa, tôn giáo của Ấn Độ mà Chămpa lại là biểu hiện mạnh mẽ nhất về Chămpa hóa những yếu tố văn hóa, tôn giáo tiếp thu được của Ấn Độ giáo.
Hình tượng Linga ở điêu khắc Chămpa có một đặc điểm gần như phổ biến là trên đầu Linga thường hơi bằng, trừ số rất ít có hình vòng cầu hoặc hình chóp. Linga có ba loại cơ bản. Loại chỉ là một khối bốn cạnh. Loại Linga có hai phần, phần trên là khối hình trụ tròn, phần dưới là khối bát giác hoặc khối vuông. Loại thứ ba gồm có ba phần, phần trên là khối hình trụ tròn, phần dưới là khối bát giác, ở phần dưới cùng là khối vuông. Loại thứ ba khá phổ biến ở điêu khắc Chămpa, là biểu thị ý niệm tôn thờ cả ba vị thần của Ấn Độ giáo (Brama, Visnu, Siva) còn được gọi là “Tam vị nhất linh”, trong chừng mực nào đó lại mang ý nghĩa nhấn mạnh yếu tố vương quyền ở Chămpa. Mặt khác, việc biểu thị Linga gồm ba phần như trên có thể còn mang ý nghĩa triết học của duy vật tự phát về sự giải thích quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của sự vật, cũng như việc quy tụ các vị thần thánh ba ngôi tối linh trong Ấn Độ giáo, là sự giải thích thế giới trong sự vận động với ba khuynh hướng tất yếu và căn bản là: sáng tạo (vật được sinh ra), bảo tồn (vật được tồn tại), hủy diệt (sự vật được biến đổi sang cái mới) của triết học Ấn Độ.
Ngoài ra Linga còn thể hiện loại hình có mặt người trên đỉnh, được gọi là Mukha-Linga. Hầu như trong điêu khắc Chămpa chỉ mới thấy một trường hợp, đó là Mukha-Linga ở trong lòng tháp chính Po klaun Garai và đó cũng có thể là hình tượng muốn biểu thị vua Po klaun Garai. Đối với trường hợp này, cho thấy sự biểu thị có hàm ý muốn nhấn mạnh sự kết hợp giữa vương quyền và thần quyền một cách chặt chẽ.
Hình tượng Yoni trong điêu khắc Chămpa cũng rất đa dạng, nhìn chung có các loại hình chính như loại khối hình chữ nhật hoặc gần khối vuông, loại hình khối tròn, được trang trí xung quanh hình cánh sen và đặc biệt Yoni loại khối tròn nhưng xung quanh lại trang trí hình ngực phụ nữ
Thông thường Linga và Yoni kết hợp với nhau tạo thành một chỉnh thể gọi chung là Linga-Yoni. Đa số mỗi bệ Yoni, trên đó được thể hiện một Linga; nhưng trong điêu khắc Chămpa có trường hợp ở bệ được thể hiện trên đó nhiều Linga và đặc biệt hơn nữa là trên Yoni lại được thay thế Linga bằng hình người (hay thần) ngồi trên đó, như bộ Yoni ở tháp chính Po Naga Nha Trang, có thể đây là hình tượng nữ thần Po Naga.
 Tượng Linga- Yoni hiện đang trưng bày tại khu trưng bày ngoài trời Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Hiện nay ở khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang trưng bày tượng LINGA – YONI, được làm bằng chất liệu đá cát, phục chế thế kỷ 9- thế kỷ 10, theo mẫu ở tháp Chiên Đàn, khu phế tích An Mỹ, xã Tam An, Phú Ninh, Quảng Nam.
Như vậy Linga và Yoni trong điêu khắc Chămpa rất đa dạng loại hình và có thể  được hàm ý mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Chắc chắn không chỉ đơn thuần là biểu tượng của thần Siva theo cách nghĩ thông thường. Điều đó cũng đã nói lên rằng vì sao rất nhiều ý kiến khác nhau của việc giải thích về hình tượng Linga, Yoni trong điêu khắc Chămpa.
Cụm tháp Chăm Pô shai nư (Phan Thiết, Bình Thuận), xây dựng thế kỷ thứ VIII thờ thần Shinva, trong đó tại tháp A có  bệ thờ Linga-Yoni.
Có thể nói, thế giới thờ cúng linga và yoni ở Mỹ Sơn ngoài mặt giá trị nghệ thuật, di sản còn phản ánh cả một thế giới văn hoá tín ngưỡng hết sức đặc sắc của người Chăm xưa. Bởi đó là thế giới của thần linh, của sự mong ước sinh sôi nảy nở, hoà hợp âm dương, của năng lực sáng tạo và cũng là thế giới biểu tượng cho sự chính thống, quyền uy và vĩnh cửu của một vương triều đã tạo dựng nên nó. Đặc biệt, linga và thần Siva còn chính là hiện thân của đấng bảo hộ cho các triều vua Chămpa, và rất nhiều lí do khác nữa mà chúng ta chưa có cơ may được hiểu thấu ngọn ngành.
Nguyễn Thu Hương-Phòng TBNT&KGTN (Tổng hợp)

Nghiên cứu đề xuất biểu tượng Linga-Yoni là bảo vật quốc gia

(Tin tức thời sự) - Sau khi các nhà khảo cổ của Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ tìm thấy cổ vật Yoni dưới lòng đất ở cụm tháp Hòa Lai thuộc xã Bắc Phong (huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) và bàn giao cho Bảo tàng Ninh Thuận lưu giữ, để tìm hiểu thêm ý nghĩa và giá trị văn hóa của biểu tượng này, Đất Việt đã liên hệ với Giám đốc bảo tàng.

Chờ báo cáo giá trị cổ vật Yoni
Trao đổi thông tin, bà Lê Thị Tuyết Ánh - Giám đốc Bảo tàng Ninh Thuận cho biết: "Cổ vật Yoni tìm thấy chưa xác định được niên đại, phải chờ đợt khảo cổ học kết thúc, có báo cáo qua hội đồng qua đó xác định được giá trị như thế nào, bây giờ nói thì chưa có cơ sở khoa học".
Trong khi đó, ông Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Ninh Thuận cho biết cổ vật này được chế tác bằng đá sa thạch, dài 71cm, rộng 51,5cm, dày 9cm. Các nhà khảo cổ hiện chưa xác định được niên đại của cổ vật này.
Tục thờ Linga và Yoni có nguồn gốc từ cộng đồng người sống ở vùng lưu vực Indu, thuộc chủng tộc Sumerian và Dravidan. Tín ngưỡng của họ gắn liền với thần thoại về thần mẹ và sự thờ cúng âm lực, coi sinh thực khí là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo.
Cổ vật Yoni tìm được tại tháp Hòa Lai
Cổ vật Yoni tìm được tại tháp Hòa Lai
"Bộ phận sinh thực khí Linga -Yoni thường được thờ trong tháp Chăm, biểu tượng cho thần Siva và sự sinh sôi, phát triển", bà Ánh cho biết thêm. 
Thông thường Linga và Yoni kết hợp với nhau tạo thành một chỉnh thể gọi chung là Linga-Yoni. Đa số mỗi bệ Yoni, trên đó được thể hiện một Linga, nhưng trong điêu khắc Chămpa có trường hợp ở bệ được thể hiện trên đó nhiều Linga và đặc biệt hơn nữa là trên Yoni lại được thay thế Linga bằng hình người (hay thần) ngồi trên đó, như bộ Yoni ở tháp chính Po Naga Nha Trang, có thể đây là hình tượng nữ thần Po Naga.
"Người phát hiện chưa xác định được cái Yoni này có 4 cạnh đó là để cắm Linga vào hay là cắm tượng Phật vào", bà Ánh phân vân.
Sẽ nghiên cứu đề xuất là bảo vật quốc gia?
Linga - Yoni là  bộ phận sinh thực khí thường đi đôi với nhau, hiện nay các nhà khảo cổ nhận định có thể Linga bị thất lạc nên chưa được tìm thấy.
Bà Ánh nhận định: "Cái bộ này nếu còn nguyên bộ Linga - Yoni thì sẽ có giá trị hơn gấp nhiều lần, cái này chỉ có Yoni thôi, các nhà nghiên cứu đang xem xét tại sao lại không tìm thấy bộ phận bên trên". 
Theo thông tin bà Ánh cung cấp, Yoni được phát hiện ở Hòa Lai thuộc nhóm tháp được xây dựng vào thế kỷ thứ 9. Theo bà, cái Yoni này không đẹp bằng chiếc Yoni hiện nay Bảo tàng Ninh Thuận đang lưu giữ, cũng phát hiện ở tháp Hòa Lai. 
Đền chính thờ Linga-Yoni (Mỹ Sơn, Quảng Nam)
Đền chính thờ Linga-Yoni (Mỹ Sơn, Quảng Nam)
Bà Ánh thông tin: "Để nói nó có giá trị để bảo vật quốc gia hay không thì chưa khẳng định được. Nhưng chúng tôi cũng đang xem xét để cho vào danh sách bảo vật quốc gia". 
Hiện tại, theo bà Ánh thì điều băn khoăn nhất là các tháp Chăm,  từ Cát Tiên đến Quảng Bình, đều phát hiện ra hiện vật này.  Muốn xác định đưa vào bảo vật quốc gia thì cần nghiên cứu các tiêu chuẩn để có thể đề xuất bảo vật quốc gia. Như việc đầu tiên là phải tìm ra được cặp độc bản, riêng nhất, đặc sắc nhất để lựa chọn", bà Ánh nhận định. 
Bên cạnh đó, bà cho rằng bảo tồn thì vẫn phải có biện pháp để bảo vệ, kéo dài tuổi thọ cho nó một cách tốt nhất. 




HỘI OFFLINE CĐĐT 2012

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

CÒN NHẬN RA NHAU ?

CÒN NHẬN RA NHAU ?
Sắp đến lễ kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô 10-10-1954 10-10-2014 Tôi đăng bài này thân tặng các bạn đồng khóa, đồng môn của tôi và các bạn cùng thời có những năm tháng học Đại học ở những nơi sơ tán trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ nay đã về hưu sống ở Hà Nội hay các miền quê khác.Rất mong gặp lại các bạn mỗi dịp về Hà Nội- trái tim của Tổ quốc.
CÒN NHẬN RA NHAU?
Mỗi khi tôi về Hà Nội
Tôi chưa vội 
đến chỗ người nhà
Tôi tìm đến chỗ bạn bè
Để lắng nghe
những gì xảy ra ngay tại chỗ
những gì diễn ra trong thành phố
Trong khó khăn gian khổ 
qua bạn bè tôi tôi vẫn thấy :
rất quý 
rất giàu
Ấy là CÁI NHẬN RA NHAU 
qua bao lần xa cách
Thời chống Mỹ trong những ngày chiến tranh gay gắt
sống giữa một làng quê nghèo đói miền xuôi (1)
Vẫn nhớ không nguôi
Mùa đông
Mưa dầm
Đường lầy lội
Buổi họp lớp đầu tiên ra về quên mất lối ( 2)
quẩn quanh tìm mãi mới thấy nhà
Những gì đến với ta
trong những năm đại học:
"Sân tiếng Nga"* (3)
những tối kịch
những ngày thực tập (4)
và nhất là những giờ trên lớp
Buổi học đầu tiên trong một ngôi chùa
Phật Bà nhắm mắt nghiền nghe giảng say sưa
Đức Ông trợn mắt ngay râu vì nghe tiếng Nga không hiểu
Trong chiến tranh cái gì cũng thiếu
Chỉ có niềm vui vẫn thấy đủ đầy
Những gì đến với ta ở đây 
đều có thể ghi thành từng thiên truyện
Vì đó là những mảng đời
những dòng kỷ niệm 
ghi sâu trong ký ức không phai
Tháng năm qua ta đã đi suốt chặng đường dài
theo hướng tương lai
theo những con đường rộng mở
Bởi trong ta niềm tin sẵn có
Trái tim nuôi niềm tin nên vẫn đỏ niềm tin
Từ bấy đến nay tôi vẫn đinh ninh
vẫn tâm niệm với niềm tin cuộc sống
Hà Nội hôm nay
với chiều sâu
chiều dài 
chiều rộng
Với bộn bề 
xáo động
gắt gay
Tự đáy lòng bạn hãy nói cho tôi hay
Nên như thế nào cho phải?
Để từ này và còn mãi mãi
Nhìn thấy nhau còn nhận ra nhau?
Chú thích:
1) Nơi sơ tán trong thời kỳ chến tranh chống Mỹ khi học Đại học
2) Ngày đầu tiên ở nhà trọ trong dân khi đi họp lớp vào buổi tối lúc về không nhớ nhà trọ lại chưa biết tên chủ nhà nên tìm mãi mới thấy nhà trọ.
3) Sân Tiếng Nga : Mộit hình thức để luyện nói tiếng Nga.
Sau bữa chiêucả lớp tập chung ở sân rộng ở một nhà trọ nào đó cùng nhau giao lưu với nhau nhưng chỉ được dùng tiếng Nga để giao tiếp.
4) Thực tập sư phạm ở các trường phổ thông

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

CÂY CAO BÓNG CẢ

LỄ KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI CAO TUỔI
LẦN THỨ 23 (1-10-1991--1-10-2014)
CỤ BÀ THAM GIA VĂN NGHỆ
CỤ BÀ ĐƠN CA
CỤ BÀ NGÂM THƠ
ĐẠI BIỂU THAM GIA VĂN NGHỆ
DIZIKIMI ĐỌC THƠ
ĐỌC THƠ
ĐÁP LỄ CÁC TIẾT MỤC CHÀO MỪNG
DIỄN VĂN KHAI MẠC

CHỦ TỊCH HỘI NGƯỜI CAO TUỔI  TỔNG KẾT THÀNH 

TICH NĂM QUA VÀ ĐỀ RA PHƯƠNG MỚI

CÁC ĐẠI BIỂU UBND Xà
CÁC ĐẠI BIÊU ĐẾN DỰ
ĐẠI BIÊU UBND XÃ CHÀO MỪNG 
PHÓ CHỦ TỊCH XÃ PHÁT BIẾU Ý KIẾN 
ĐẠI BIỂU Y TẾ XÃ PHÁT BIẾU Ý KIẾN
PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐÁP LỄ CÁC ĐẠI BIỂU
TRƯỚC CỬA UBND XÃ VŨ YỂN
DIZIKIMI & CÁN BỘ XÃ VŨ YỂN
BÍ THƯ XÃ PHÁT BIÊU Ý KIẾN
CHỦ TỊCH HỘI NGƯỜI CAO TUỔI ĐỌC DIÊN VĂN 

CÁC ĐẠI BIỂU ĐẾN DỰ


DIZIKIMI & CÁC ĐẠI BIỂU

https://www.flickr.com/photos/68410164@N06/15166082760/in/photostream/