Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

TRÒ TRÁM


   
Trò trám - một lễ hội dân gian độc đáo

Nguyên Thao

Nước ta có nhiều lễ hội. Ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ có một lễ hội độc đáo, còn có thể gọi là ''độc nhất vô nhị'' vừa mang nghi lễ trang nghiêm vừa thắm đượm tính văn hóa dân tộc. Ðó là lễ hội trò trám, hằng năm được trình diễn tại lễ hội Ðền Hùng. 


Lễ hội trò Trám là sự tôn vinh sức sống của con người. Ðó là lễ hội sinh tồn, có yếu tố "nõ nường" và giống nòi và vật linh này được tôn thờ là vật báu.
alt

Người dân Tứ Xã làm hai vật "nõ nường" bằng gỗ mít. Hai "vật quý" được đặt trong miếu thờ ở gò trám. Miếu rộng chừng 35 m2, cao chừng 4 m, nền miếu cao so với mặt bằng chừng 40 - 50 cm, "nõ nường" được đặt trong hòm nhỏ, hòm nhỏ đặt trong hòm to. Tất cả các hòm và cửa ra vào đều có khóa. Chìa khóa do ông Từ coi giữ. Miếu thờ được dựng giữa một khoảnh đất 1.800 m2, phía sau, hai bên có cây sanh, có si, tre là ngà và cả cây đa trùm bóng mát rượi. Sự giữ gìn tôn nghiêm, cẩn thận chứng tỏ người Tứ Xã coi trọng sự sinh tồn đến mức nào.

Năm nào cũng vậy, vào đêm 11 tháng giêng, cánh cửa miếu mở ra hai "nõ nường" được người ta đưa lên sập thờ, có ván xôi con gà, hoa quả, hương khói. Ông Từ cầu khấn cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, sinh lực dồi dào, đất nước phát triển, dân giàu nước mạnh, nòi giống cường thịnh, làng xóm đông vui sầm uất, gia đình hạnh phúc, con đàn cháu đống. Buổi lễ diễn ra trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân, già có, trẻ có trong những bộ lễ phục.

Khoảnh khắc linh thiêng và tế nhị nhất là gần đến giờ chuyển tiếp sang ngày hôm sau. "Lễ mật" diễn ra trong sự hoan hỉ của mọi người. Một thanh niên trai tráng cầm "nõ", một cô gái duyên dáng cầm "nường". Trong tiếng hò reo "Linh tinh, tình phục", cái "nõ" đâm vào cái "nường". Sau ba lần "Linh tinh, tình phục" như thế, lễ mật kết thúc, mọi người vui vẻ ra về. Và đêm ấy là đêm của tình yêu. Thanh niên, nam nữ được tự do tâm tình, cởi mở tấm lòng.

Những trăn trở của người già gặp lại nhau để nhớ lại một thời gắn bó đã phôi pha bởi lễ giáo phong kiến đã không cho họ thành vợ chồng và giờ đây là lúc để họ nhớ lại một thời thanh xuân, một thời trai tráng, xuân sắc.

Hôm sau là ngày hội "Tứ dân chi nghiệp" mà người Tứ Xã gọi nôm na là "sĩ, nông, công, thương".

Thông qua các trò diễn say đắm và sảng khoái lòng người, trò diễn "sĩ, nông, công, thương" như nhắc nhở mỗi làng quê, phải coi bốn nghề ấy làm gốc; mỗi người, mỗi nhà hãy chọn lấy một nghề để tạo dựng một cuộc sống vững bền. "Có một nghề còn hơn cả một vương quốc" chính là vậy. Nhưng cái lạ, cái mới đượm chất dân gian sâu lắng, thấm đậm tình người là trò diễn ấy được cách điệu hóa, mang đậm bảnsắc làng quê, khôi hài đến chảy nước mắt. Bởi vậy lại có tên là "bách nghệ khôi hài".

Trò diễn gồm 12 tiết mục diễn tả các hoạt động cày, cấy, thợ mộc, đánh lờ, câu cá, kéo sợi, dệt vải, thầy trò, mua xuân, bán xuân hay gọi là buôn bán... tất cả đều nhân cách hóa và đối đáp bằng ngôn ngữ dân ca.

Người mở đầu dùng chiếc nơm đơm cá thay cho loa để mời gọi dân làng. Người giới thiệu lại mang bốn cái mẹt, mỗi cái mẹt mang một chữ "sĩ", "nông", "công", "thương". Nhạc đệm là cối xay, dây đàn bằng chạc, miệng hát "phừng, phừng, phừng...".

Ở đây không phải là con trâu đi cày mà là con voi, được phủ chăn xanh, chân nẹp viền đỏ trông thật ngộ nghĩnh. Cô đi cấy thì mặc váy ngắn nhún nhẩy gánh mấy đon mạ. Cô mua xuân, bán xuân có đòn gánh lả lướt như cò lả. Trong lờ của người đánh cá lủng lẳng mấy con bấc trông thật ngộ nghĩnh. Còn vai diễn "sĩ" thì thầy đồ mặc quần trắng, áo the giày vải thong dong đi lại bên cạnh cậu học trò nghịch ngợm.

Lời ca, tiếng hát trong các trò diễn thắm đậm tình yêu, tình người, lại mang tính khôi hài... Người đánh đàn giằng xay, vai giáo đầu, sau khi lên dây đàn "kít", "két", "phưng", "phưng", "phưng" hát. Mở đầu bằng một câu rất quậy:

Bên ấy có nửa vừng trăng
Bên này lủng lẳng như giằng cối xay.

Cô gái trong các trò diễn cũng không kém phần lém lỉnh:

Gặp đây em mới hỏi chàng
Cái gì lủng lẳng một gang trong quần.

Chàng trai đáp:

Em hỏi thì anh thưa rằng
Cái đeo lủng lẳng là giằng cối xay.

Cô thợ cấy ca rằng:

Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy lấy ông chủ nhà.

Vai nào cũng đạt nghệ thuật diễn xuất cao và gây cười khác nhau.

Anh vác lờ đi bắt cá được tặng câu:

Công anh đắp đập be bờ
Ðừng cho người khác vác lờ đến đơm.

Anh đi câu, quẳng lưới câu vào các cô đi cấy và ca:

Người ta câu diếc câu rô
Tôi nay câu lấy một cô không chồng.

Rồi hát tiếp:

Có chồng thì thả mồi ra
Không chồng thì cặp, thì tha lấy mồi.

Ðến cô mua xuân, bán xuân (làm thương nghiệp): "Kể từ đấu cám, xâu cua, ai thiếu em bán, ai thừa em mua" cũng lo cho tình xuân:

Mua xuân kẻo hết xuân đi
Nay lần, mai lữa còn gì là xuân.

Trò diễn thầy đồ và học trò cũng vang mãi tiếng cười sâu lắng và khôi hài về dạy và học.

Thầy dạy:

Chữ trên là trên chữ dưới
Chữ dưới nằm dưới chữ trên
Chữ giữa là giữa xung quanh
Xung quanh là vành chữ giữa

Rồi thầy nói:

- Các con học thuộc chữ nào thì trả lại cho thầy chữ ấy để thầy còn đi dạy người khác.

Thế là chữ thầy trả lại cho thầy.

Trò Trám, trong đó có "Bách nghệ khôi hài" là một lễ hội dân gian đặc sắc, tôn vinh giống nòi và sinh khí con người; nó được đan chéo bởi hàng trăm câu thơ mộc mạc trong sáng, giản dị và khôi hài. Nghệ nhân biểu diễn là những người am hiểu cuộc sống, tế nhị và dí dỏm. Mỗi vai diễn có phong cách riêng, cử chỉ và lời ca thu hút lòng người.

Trò Trám hằng năm được trình diễn tại lễ hội Ðền Hùng và được một tổ chức quốc tế tài trợ về tài chính để tôn tạo lại miếu thờ, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho trình diễn.

Nguyên Thao.
Những câu hát trong trò Tứ Dân chi nghiệp:
- Vì sao mà vú em sưng
Mà bụng em ĩnh, mà lưng anh gù

Chỉ vì tại bố thằng cu
Đêm đêm nó chọc vào mu con rùa

- Ước gì em hóa ra trâu
Anh hóa ra trạc xỏ nhau cả ngày

- Ước gì em hóa ra cày
Anh hóa ra bắp, lắp ngay bây giờ

- Gặp đây là mới hỏi nàng
Cái gì lủng lẳng một gang trong quần
Anh hỏi thì em thưa rằng
Cái đeo lủng lẳng là giằng cối xay.

- Làm vua cho đáng làm vua
Làm vua thì ở cho vừa lòng dân
Thánh quân cho đáng thánh quân
Thánh quân phải biết thương dân nhọc nhằn!

- Bên ấy có nứng cùng chăng?
Bên này lủng lẳng như giằng cối xay

Nguyễn Xuân Diện sưu tầm
“Linh tinh tình phộc”

(Dân trí) - Người đàn ông cầm linh vật biểu tượng cho nam tính (nõ) lấy đà chọi vào biểu tượng cho phái nữ (nường) ba lần chính xác, tạo nên những tiếng “phộc” chắc khoẻ. Mọi người ai nấy đều hân hoan ra mặt bởi một năm mới hứa hẹn đầy may mắn.
“Linh tinh tình phộc” là một tên gọi của lễ hội Nõ Nường tại làng Trám (Tứ Xã - Lâm Thao - Phú Thọ) được tổ chức vào đêm 11 rạng sáng 12 tháng Giêng hàng năm.
 
 
Nếu như biểu tượng tính dục, sinh sản là dấu hiệu dễ nhận thấy ở các dân tộc miền Trung, Tây Nguyên thì ở các lễ hội tại đồng bằng bắc bộ là những biểu tượng thần linh che chở cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hoà… Nhưng làng Trám lại có một lễ hội đầu năm mang đậm tính sinh sản phồn thực.
 
Không chỉ có vậy, lễ hội làng Trám còn có trò diễn xướng Tứ dân chi nghiệp (hay con gọi là trò Trám) miêu tả một cách dân dã nhất những ngành nghề trong xã hội xưa như Sĩ, Nông, Công, Thương…, nhưng tất cả các trò diễn xướng này đều có những lời hát, câu vè ẩn dụ với câu chuyện “tế nhị” về khả năng tạo hoá của con người…
Đó là lời chị nông dân đi cấy lúa:
Người thời đi cấy lấy công
Tôi đây đi cấy lấy ông chủ nhà
Đi cấy thì gốc chổng lên
Ngọn thời cắm xuống mới nên mùa màng
Hay lời hát của phường hề pha trò trong đêm hội:
Ước gì em hoá ra trâu
Anh hoá ra chạc xỏ nhau cả ngày
Ước gì em hoá lưỡi cày
Anh hoá thành bắp lắp ngay bây giờ
Hay:
Bà già như ruộng đỉnh gò
Đang hạng con gái như kho ruộng mềm…
alt
Miếu làng Trám là nơi diễn ra lễ hội vào đêm ngày 11 tháng giêng hàng năm
và được tổ chức lớn nhất 5 năm một lần vào các năm chẵn.
 
alt
Các cụ trưởng thượng dâng trà rượu cho thần Cúc Cung, vị thần cai quản ngôi miếu làng Trám
 
 
alt
alt
Những vai hề diễn tấu góp vui cho đêm lễ hội
alt
Người ta câu riếc câu rô
Anh nay câu lấy một cô không chồng…
alt
… Có chồng thì nhả mồi ra
alt
Những diễn viên làng thu hút đông đảo người dân đến xem hội, kể cả em nhỏ đang độ tuổi đến trường
 
alt
Ông từ trông miếu đúng 12h giờ đêm mở ba lần khoá lấy những linh vật của hội từ bao đời nay
 
alt
Linh vật của trời đất ban cho con người được người dân làng Trám tái hiện lại bằng gỗ và gốc tre
 
alt
Ông từ kính cẩn giao lại linh vật cho hai người làng được chọn
 
alt
… để thực thi những hành động tín ngưỡng dân gian mang ý nghĩa phồn thực
 
 
 
 
 
alt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét